TIẾNG ANH GIAO TIẾP (P3): KỸ NĂNG ĐỌC

Sau 2 bài hướng dẫn NGHE và NÓI, thì phần này chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra phương pháp để luyện ĐỌC tiếng Anh một cách đơn giản và hiệu quả nhất.

Ai cũng biết trong giao tiếp thì kỹ năng ĐỌC không được coi trọng như 2 kỹ năng NGHE và NÓI, nhưng nếu chúng ta muốn có thêm một kho vốn từ phong phú cũng như hiểu sâu hơn về ngữ pháp thì kỹ năng ĐỌC HIỂU là vô cùng cần thiết.

READING

 

Và đây là các bước giúp chúng ta có thể dễ dàng thực hành để luyện kỹ năng ĐỌC:

Thái độ khi đọc sách

Điều đầu tiên và quan trọng nhất để ĐỌC hiệu quả có lẽ là thái độ. Nhớ nhé, phải giữ một thái độ lạc quan và tự tin là mình có thể làm được và làm dễ dàng.

Tìm đọc những gì mình yêu thích hoặc quan tâm

Với những ai mới bắt đầu, thì nên chọn ĐỌC những sách báo giúp tạo nên hứng khởi khi ĐỌC vì chỉ khi yêu thích thì chúng ta mới chú tâm và cũng để tránh tình trạng “ngủ gật”.

Một số website hữu ích:

www.starfall.com: Dành cho trẻ em và những người mới học tiếng Anh.

www.bbc.com/news: Dành cho những bạn thích đọc tin tức tổng hợp (khó hơn).

www.bbc.co.uk/bitesize/ks2/english/reading/: BBC Learning English được thiết kế dành cho người dùng ở mọi trình độ, từ cơ bản đến nâng cao.

 

Chọn ĐỌC những bài đúng với trình độ và vốn từ hiện tại

Cố gắng ĐỌC những bài viết phù hợp với trình độ. Nếu cứ 3 từ bạn lại phải dừng để tra từ mới một lần thì bài đọc đó chẳng còn gì thú vị và bạn sẽ nhanh chóng mất hết hứng thú để tiếp tục.

 

Đọc lướt đầu và cuối bài đừng quên đọc các tiêu đề nhỏ trong từng chương

Bước này có hai ý nghĩa: thứ nhất là để có một cái nhìn tổng thể về đề tài mình chuẩn bị ĐỌC. Thứ hai, theo khoa học, là để “khởi động” bộ não (giống kiểu các cầu thủ khởi động để tránh chấn thương trước khi ra sân). Đại loại là ĐỌC lướt qua tất cả những gì “đập” vào mắt mình đầu tiên.

Không cần tra từ khi đang đọc

Tiếng Anh, ngay cả tiếng Việt, hay bất kì một ngôn ngữ nào khác, khi đọc sẽ gặp rất nhiều từ mới. Trong trường hợp này, nhờ vào ngữ cảnh mà chúng ta có thể đoán được từ. Vì vậy trong lúc ĐỌC, nếu gặp từ mới, không nên dừng ĐỌC và tra từ đó, chỉ nên gạch chân để sau này xem lại. Việc dừng lại trong khi ĐỌC để viết, hoặc tra từ,… sẽ làm đứt mạch. Theo Tony Buzan, bộ não chỉ được “lập trình” để làm một việc một lúc, khi làm hai hay nhiều việc cùng một lúc sẽ gây mất tập trung và mạch văn sẽ bị ngắt quãng gây quên.

Dùng dấu trang để dễ dàng tìm lại những thứ quan trọng có viết trong bài.

Nghỉ ngơi 5 phút/lần nếu như bạn muốn đọc trong thời gian dài nhưng vẫn đạt hiệu quả

Sau 30 phút tập trung cho việc ĐỌC , chúng ta cần phải dành cho bộ não, mắt, cơ thể được nghỉ ngơi trong vòng 5 phút. Đứng dậy, hít thở, (hay vặn vẹo cái lưng một tí). Lúc tập trung, đôi khi chúng ta quên cả chớp mắt lẫn hít thở. Điều này không tốt cho sức khoẻ và trí nhớ. Quan trọng hơn là khi toàn bộ cơ thể được nghỉ, bộ não sẽ sắp xếp lại dữ liệu vừa thu nhận được và bỏ chúng vào trong các “thư mục” thích hợp giúp chúng ta nhớ lâu hơn những gì đã ĐỌC được.

Giữ sự liên tục xuyên suốt quá trình luyện kỹ năng ĐỌC

Nên dành 15 phút mỗi ngày (có thể là sáng khi thức dậy, sau khi ăn, trước khi đi ngủ) để luyện ĐỌC tiếng Anh sẽ tốt hơn nhiều khi chúng ta dành 2h để chỉ đọc vào ngày nghỉ (t7, CN).

Luyện tập mỗi ngày… Có như vậy thì bạn mới có thể ĐỌC nhanh mà vẫn nắm và hiểu được các thông tin trong khi ĐỌC. Hãy chọn những tài liệu có mức độ khó phù hợp với trình độ của bạn.

Kết lại, học tiếng Anh là cả một quá trình dài nhưng nếu chúng ta hiểu và biết áp dụng phương pháp học phù hợp với bản thân, cộng với việc kiên trì luyện tập thì con đường để thành công trong tiếng Anh giao tiếp đã không còn quá xa vời. Chúc các bạn thành công.

Call Now Button