Trẻ mẫu giáo học tiếng Anh qua vận động
Nhảy lò cò, lắc lư theo nhạc, hay nhảy múa xung quanh lớp học, cái bé mẫu giáo tại một trường ở Mỹ cùng nhau chơi đùa, vận động cơ thể mà vẫn tiếp thu được những kiến thức ngôn ngữ bổ ích.
Tại trường tiểu học Muldown ở Whitefish, Mỹ, dạy học còn đi kèm với vận động. Trẻ mẫu giáo tại đây thể hiện chữ cái, số, màu sắc, hoa văn và nhịp điệu thông qua nhảy múa.
Giáo viên văn nghệ Leslie Yancey hướng dẫn các em nhảy múa theo nhịp điệu của chiếc trống cầm tay, được trang trí giống như một cây kẹo mút đầy màu sắc, trên nền nhạc từ Ireland, Nga và châu Phi.
Trong 8 tuần qua, Yancey đã hướng dẫn 6 lớp mẫu giáo Muldown thực hiện “Chuyển động sáng tạo”, chương trình ra đời 5 năm trước. “Mỗi lớp đều có nhiều hoạt động vận động sáng tạo, giúp các bé học chữ cái, tiếng Anh, toán, địa lý và cảm thụ âm nhạc”, Yancey nói.
Cô giáo Muldown Lisa Olson cho biết nội dung dạy học của Yancey cũng giống như các lớp bình thường, nhưng đi kèm với các hoạt động nhảy lò cò, nhảy dây, chạy và nhảy múa. “Vận động cơ thể rất quan trọng ở lứa tuổi này”, Olson cho biết.
“Đây là những hoạt động rất vui vẻ”, Olson nói. “Ở độ tuổi này, chuyển động cơ thể có tác động lớn đến việc phát triển bản thân”.
Theo Yancey, không hề có phương án đúng hay sai khi thể hiện bản thân qua nhảy múa. “Trọng tâm của việc này là giúp các em tự khám phá cơ thể, tâm trí, tư duy ngôn ngữ, suy nghĩ và trí tưởng tượng thông qua các chuyển động sáng tạo. Điều này giúp các bé hình thành nhận thức về bản thân, biểu cảm và định hướng cá nhân”, Yancey nói.
Vào một buổi chiều, các lớp cùng nhau tập hợp và biểu diễn lại các điệu nhảy cùng những điều các bé đã được học trước các phụ huynh. Trong điệu nhảy đầu tiên, một ca khúc và nhịp trống chậm vang lên. Yancey hỏi các em: “Từ ‘Walk’ (đi bộ) bắt đầu bằng chữ cái gì?
“Chữ W ạ”, các bé đồng thanh hô câu trả lời và đi bộ quanh phòng.
“Bây giờ các con hãy dừng lại và tạo dáng đi”, Yancey nói. Các bé đứng thẳng, giơ tay lên trời hoặc nằm trên sàn nhà, tạo thành hình chữ “W.”
“Từ “hop” (nhảy lò cò) bắt đầu bằng chữ cái gì nhỉ?”, Yancey hỏi tiếp và lắc trống nhanh hơn.
Chữ “H” ạ, các em hô lên khi nhảy bằng một chân.
Cuối mỗi hoạt động, các bé cùng nhau tạo thành “một bức tượng người”. Từng em đến giữa phòng và đan ngón tay, bàn tay hoặc chân vào nhau.
“Hãy tưởng tượng ra hình dáng các con muốn làm, và các con muốn thể hiện nó như thế nào. Hãy chọn những dáng mà các con có thể giữ được lâu”, Yancey nói.Các em đứng hoặc nằm trên sàn phòng. Nhiều bé còn tạo dáng giống như một chiếc bàn hay xoạc chân như diễn viên múa. Cuối cùng 122 bé cùng nhau tạo thành một “bức tượng” thật lớn. Các phụ huynh vỗ tay khi các bé hoàn thành hoạt động.
“Có nhiều kiểu trí thông minh. Một số em thiên về vận động hoặc âm nhạc”, Yancey nói. Cô đề cập đến thuyết đa trí tuệ của tiến sĩ Howard Gardner, chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh như về toán học-logic, ngôn ngữ-lời nói, thị giác-không gian, âm nhạc-giai điệu, hướng ngoại, hướng nội, hướng về thiên nhiên và vận động.
Yancey cho rằng nghệ thuật rất quan trọng trong việc phát triển cả tinh thần và thể lực cho trẻ. Các bé có thể học được những kỹ năng sống như hợp tác, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, cống hiến, tập trung, phối hợp, tinh thần tự tin và giao tiếp phi ngôn ngữ.
“Những điều này đều giúp hình thành con người”, Yancey nói. “Nghệ thuật rất quan trọng với trẻ em, cho người lớn, và cho tất cả mọi người”.